Thường xuyên đi ngoài phân nát là dấu hiệu của bệnh gì?
Bác sĩ cho em hỏi với ạ, không biết thường xuyên đi ngoài phân nát là dấu hiệu của bệnh gì? Khoảng 1 tháng trở lại đây mỗi lần đi ngoài em đều quan sát và thấy có biểu hiện này, phân nát không đóng thành khuôn, có cả chất nhày và có cả máu nữa. Nhưng mà em bị ra máu mới chỉ 1 lần thôi và rất là ít. Bình thường em ăn cay được nên ăn cái gì cũng phải cho thật nhiều ớt mấy thấy đã, nhưng bây giờ khi ăn vào là cái bụng cứ đau âm ỉ, ăn xong tào tháo rượt liền nên chẳng dám ăn nữa. Xin bác sĩ cho em hỏi như vậy là em bị bệnh gì ạ? Có nghiêm trọng không thưa bác sĩ?
( Thanh Hoa – Phú Yên )
Giải đáp:
Thanh Hoa thân mến!
Triệu chứng đi ngoài phân nát diễn ra thường xuyên được cho là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh lý trong cơ thể, đa phần là các căn bệnh ở đường tiêu hóa. Bạn có thể theo dõi thông tin mà chuyên mục cung cấp dưới đây để đối chiếu với những gì mình đang gặp phải xem thật sự vấn đề sức khỏe của bạn đang nằm ở đâu nhé.
Các căn bệnh có biểu hiện đi ngoài phân nát
1. Bệnh viêm đại tràng
Bệnh đặc trực bởi triệu chứng đi ngoài phân nát kèm theo tình trạng đau âm ỉ ở bụng, tiêu chảy, đi ngoài ra máu hoặc chất nhầy, đôi khi có các đợt táo bón xen kẽ với tiêu chảy. Vị trí đau thường xuất phát từ vùng bụng dưới rốn, đau lan sang bên hai mạn sườn hoặc đau dọc theo khung đại tràng. Những triệu chứng trên thường xuất hiện sau khi bệnh nhân ăn các thức ăn lạ, đồ ăn chua cay, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng bia rượu.
Bệnh viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng được chia làm 2 giai đoạn phát triển là cấp tính và mãn tính. Nếu được điều trị tích cực trong giai đoạn cấp tính thì bệnh hoàn toàn có thể khỏi được. Song một khi bệnh đã tiến triển thành mãn tính thì cơ hội được chữa lành bệnh gần như không có, bệnh nhân phải sống với căn bệnh này suốt đời.
2. Bệnh viêm đại tràng co thắt
Bệnh viêm đại tràng co thắt còn được gọi là hội chứng ruột kích thích. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân nát. Lý do bởi khi mắc căn bệnh này, nhu động ruột của bệnh nhân khi gặp các yếu tố kích thích như stress, đồ uống có cồn, thức ăn lạ, đồ ăn nhiễm khuẩn…sẽ có bóp nhanh và mạnh hơn bình thường. Từ đó thức ăn chỉ nằm trong đường ruột một thời gian ngắn đã bị đẩy ra ngoài và chưa được tiêu hóa hết dẫn đến việc phân được thải ra thường bị sống, lỏng, nát chưa thành khuôn.
Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị táo bón, bụng đau quặn từng cơn và chướng căng, đi phân có nhiều chất nhầy. Những triệu chứng này khá tương đồng với các bệnh lý ở đường tiêu hóa khác, bạn nên thận trọng để không bị nhầm lẫn.
3. Bệnh viêm loét đại tràng
Căn bệnh này được đặc trưng bởi sự hình thành của các vết loét ở lớp niêm mạc trong lòng ruột già. Những vết loét này có thể lan rộng và ăn sâu vào thành đại tràng gây chảy máu và tạo ra mủ. Chính vì vậy khi mắc căn bệnh này bệnh nhân thường bị đi ngoài ra máu kèm theo dịch mủ đặc như mũi. Khi bị viêm loét đại tràng hoạt động tiêu hóa của đường ruột cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Do vậy các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa ( tiêu chảy, táo bón, buồn nôn), đau bụng là không thể tránh khỏi. Bệnh nhân có thể bị sốt, sút cân nhanh do khả năng ăn uống và hấp thụ chất dinh dưỡng của đường ruột không còn được như trước.
4. Các bệnh về gan
Các bệnh về gan cũng gây đi ngoài phân nát
Các bệnh lý về gan cũng thường kèm theo những dấu hiệu bất thường ở hệ tiêu hóa, trong đó có hiện tượng đi ngoài phân nát. Khi chức năng gan bị suy giảm gan không thể chuyển hóa được hết các chất dinh dưỡng cũng như loại bỏ được chất độc hại có trong thức ăn đưa vào, từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nếu cơ thể bạn đang có kèm theo các triệu chứng khác như nước tiểu vàng sậm, phân nát màu xám, ói mửa, chán ăn, mệt mỏi, tĩnh mạch bị giãn… thì nên thận trọng với các bệnh về gan.
Như vậy bạn có thể thấy chỉ mỗi triệu chứng đi ngoài phân nát thôi mà có liên quan đến rất nhiều căn bệnh khác nhau. Để được chuẩn đoán và điều trị bệnh một cách chính xác nhất bạn nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết. Bên cạnh đó, trong thời gian này bạn nên ăn nhiều đồ mát, rau xanh, uống nhiều nước, tránh ăn đồ nóng, gia vị cay và chất béo cũng như bia rượu và nước ngọt có ga để đường tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Chúc bạn sớm tìm và điều trị được căn bệnh mình đang mắc phải!
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!