Bệnh Crohn là gì? Cách nhận biết và điều trị
Bệnh Crohn gây ra các tổn thương cho lớp màng đường tiêu hóa và đem đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc bệnh kéo dài có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Dùng thuốc hay phẫu thuật là hai phương pháp điều trị bệnh Crohn hiện đang được áp dụng. Vậy bệnh Crohn là gì? Cách nhận biết và điều trị căn bệnh này như thế nào cho hiệu quả?
Bệnh Cronh là gì?
Bệnh Crohn chỉ tình trạng viêm loét mãn tính của đường ruột. Điểm đặc biệt là căn bệnh này không gây viêm loét cố định ở 1 vị trí cố định trong đường ruột mà nó có thể gây tổn thương cho lớp niêm mạc ruột ở bất cứ đoạn nào của ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho tới cuối hậu môn. Tuy nhiên đa số trường hợp mắc Crohn ở ruột non hoặc ruột già.
Cho đến này các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên họ cho yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch có liên quan rất lớn đến sự hình thành và khởi phát của bệnh. Thêm vào đó, các yếu tố như ăn uống, stress, môi trường sống , hút thuốc lá có thể tác động làm bệnh phát triển nặng hơn.
Cách nhận biết bệnh Crohn
Biểu hiện của bệnh Crohn có thể nhẹ hay nặng tùy theo mức độ, phạm vi bị bệnh, tình trạng viêm ở từng bệnh nhân. Căn bệnh nay có các triệu chứng nhận diện sau:
- Đau bụng ở vị trí bị viêm kèm theo tiêu chảy
- Sút cân do đường ruột kém hấp thu chất dinh dưỡng
- Người mắc bệnh Crohn có dấu hiệu ăn uống không ngon miệng, chán ăn
- Có thể bị sốt
- Ra nhiều mồ hôi vào ban đêm
- Có thể có lẫn máu trong phân
- Bệnh kéo dài gây thiếu máu, suy dinh dưỡng trầm trọng
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Các phương pháp điều trị bệnh Crohn
Hiện nay chưa có loại thuốc nào giúp đặc trị bệnh Crohn. Mục tiêu chính của việc điều trị chủ yếu là giảm viêm ở đường ruột, hạn chế tái phát bệnh, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Tùy thuộc vào vị trí bị viêm cũng như mức độ bệnh bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc hay phẫu thuật:
1. Điều trị bệnh Crohn bằng thuốc
Bệnh nhân có thể được chỉ định các loại thuốc dưới đây:
– Thuốc kháng viêm: Loại thuốc thường dùng là các loại thuốc nhóm 5 aminosalicylic acid (5-ASA) hoặc thuốc corticosteroid.
- Các thuốc nhóm 5 aminosalicylic acid (5-ASA) như Sulfasalazine, Mesalamine . Khi sử dụng các thuốc nhóm này bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, nôn ói, ợ nóng, đi tiêu lỏng.
- Các thuốc chứa corticosteroid: Vừa có tác dụng chống viêm vừa giúp ức chế miễn dịch. Loại thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc Crohn ở mức độ trung bình trở lên nếu bệnh nhân không đáp ứng được với các loại thuốc điều trị khác. Loại thuốc này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như gây tích nước làm phù tay chân, làm tăng huyết áp, tăng đường trong máu, gây loãng xương, viêm loét dạ dày…Người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
Thuốc này giúp ổn định hoạt động của hệ thống miễn dịch, đồng thời cũng có thể được sử dụng như 1 loại thuốc kháng viêm. Một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch được sử dụng trong điều trị bệnh Crohn như Infliximab, Adalimumab, Methotrexate, Azathioprine, Mercapxopurine,
– Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh giúp ức chế vi khuẩn, vi rút gây bệnh , đồng thời làm lành vết loét hay áp xe ở đường ruột. Metronidazole và Ciprofloxacin là hai loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định.
Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được chỉ định các loại thuốc khác như thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng chống táo bón, thuốc giảm đau hoặc cho bệnh nhân bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.
2. Điều trị bệnh Crohn bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật chữa bệnh Crohn được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc điều trị
- Bệnh nhân gặp phải các biến chứng xấu như thủng ruột, xuất huyết đường ruột không thể cầm máu, có lỗ rò thông ruột với các bộ phận khác.
Song song với quá trình điều trị bệnh thì bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp, tránh stress, tập thể dục hàng ngày để nâng cao thể trạng. Áp dụng toàn diện các biện pháp trên một cách khoa học thì bệnh mới ít tái phát trở lại.
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!