Dấu hiệu bệnh Lao Ruột và phác đồ điều trị
Lao ruột thường gặp là lao thứ phát sau lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng. Cũng như các dạng lao khác, lao ruột là căn bệnh rất dai dẳng, cần điều trị liên tục trong nhiều tháng để tránh nguy cơ tái phát Một số dấu hiệu bệnh Lao Ruột nên biết để phát hiện bệnh sớm, thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
Lao ruột là gì?
Lao ruột là một loại lao đường tiêu hóa, có những triệu chứng dễ nhầm với bệnh lý khác. Vi khuẩn lao đến ruột chủ yếu bằng đường tiêu hóa, khu trú ngay ở ruột rồi sau đó mới đến các đường khác như đường máu, mật… Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động.
Bệnh lao nằm trong chương trình điều trị phòng chống lao quốc gia nên người bệnh lao ruột sẽ được cấp phát thuốc miễn phí nên không cần lo lắng về chi phí điều trị.
Triệu chứng lao ruột
Biểu hiện bệnh lao ruột thường không rõ ràng, người bệnh lao ruột thường sẽ thấy:
- Có cảm giác chán ăn, buồn nôn.
- Cân nặng giảm nhanh, người xanh xao.
- Thường có cảm giác mệt mỏi, sốt về chiều và ra mồ hôi trộm.
- Đầy hơi, căng trướng bụng sau ăn và không dung nạp thức ăn.
- Đau bụng từ nhẹ đến đau thắt dữ dội, thường ở cung phần tư dưới phải và thường xuất hiện sau bữa ăn. Thường có sôi bụng đi kèm.
- Đi ngoài phân lỏng ngày 2-3 lần, phân sền sệt, thối; đôi khi xen kẽ với táo bón. Triệu chứng này thường kéo dài và dùng các thuốc cầm ỉa chảy không có tác dụng.
Bệnh lao ruột thường tiến triển mạn tính và có thể khó phân biệt với bệnh viêm ruột, u amip, hoặc u lympho, ung thư biểu mô ruột. Do đó, cần thiết phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
Cách chẩn đoán bệnh lao ruột:
+ Xét nghiệm máu: Thấy bạch cầu lympho tăng cao, tốc độ lắng máu tăng.
+ Các xét nghiệm khác:
– Phản ứng mantoux dương tính mạnh.
– Tìm trực khuẩn lao trong phân.
– X quang.
– Nội soi bằng ống mềm. Trong khi soi, sinh thiết những nơi có bệnh nghi ngờ tổn thương lao.
Phác đồ điều trị lao ruột
Điều trị bệnh lao ruột được coi là thành công khi tiêu diệt hết vi khuẩn lao ở tổn thương để khỏi bệnh và tránh tái phát, hạn chế các biến chứng và tử vong. Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công (2-5 tháng) và duy trì (12 – 18 tháng); đồng thời tái khám đúng hẹn.
1. Điều trị nội khoa:
Dùng các dòng thuốc chống lao thiết yếu: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S), Ethambutol (E).
- Phác đồ I: 2RHEZ/4RHE:
Chỉ định: Cho trường hợp bệnh lao mới người lớn (chưa điều trị lao bao giờ hoặc đã từng điều trị lao nhưng dưới 1 tháng).
- Phác đồ II: 2SRHZE/1RHZE/5RHE:
Chỉ định: Cho trường hợp bệnh lao tái phát, lao điều trị lại và các trường hợp bị bệnh lao được phân loại là “khác” mà không có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán lao đa kháng nhanh.
Điều trị hỗ trợ:
– Thuốc điều trị triệu chứng:
+ Chống đau bụng: Atropin 1/2mg x 1 ống tiêm dưới da; Hoặc Belladol (cồn dung dịch 10%) x giọt/ngày.
+ Băng xe niêm mạc, chống ỉa chảy: Tanin: 3 – 5g/24 giờ cho đến khi hết ỉa lỏng; Kaolin: 10 – 20g/24 giờ.
– Chế độ ăn uống: Chú ý ăn đủ chất đặc biệt bổ sung thêm thức ăn giàu đạm và vitamin; không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột.
2. Điều trị ngoại khoa:
Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ, nếu có biểu hiện biến chứng tắc ruột cần can thiệp ngoại khoa mổ ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy việc điều trị không dễ dàng, bệnh thường tái phát nếu không chữa trị triệt để; song nếu bệnh nhân phát hiện bệnh lao ruột sớm và tuân thủ phác đồ của Chương trình chống lao quốc gia thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
Bạn có thể xem thêm:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!