Các loại thuốc nhuận tràng tốt nhất cho người bệnh đại tràng
Sử dụng thuốc nhuận tràng hàng ngày có lẽ là một việc làm đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với những bệnh nhân mắc chứng táo bón do viêm đại tràng. Vậy thuốc nhuận tràng là gì và những loại thuốc có tác dụng nhuận tràng nào là tốt nhất cho người bệnh đại tràng? Liệu việc sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài có gây tác dụng phụ gì không? Đây là những vấn đề bạn nên tìm hiểu trước khi sử dụng thuốc nhuận tràng trị táo bón.
Khi bị bệnh đại tràng, chức năng co bóp của các cơ cũng như hoạt động của hệ thống dây thần kinh trong đại tràng bị ảnh hưởng. Hoạt động của nhu động ruột cũng bị rối loạn dẫn đến tình trạng lúc thì người bệnh bị tiêu chảy, khi thì lại bị táo bón và có những giai đoạn đi phân lỏng lẫn phân táo cùng một lượt. Riêng đối với những trường hợp bị táo bón, trong đơn thuốc của bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định thêm thuốc nhuận tràng giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng hơn.
Thuốc nhuận tràng thường được chỉ định cho bệnh nhân bị táo bón do bệnh đại tràng
Vậy thuốc nhuận tràng là gì?
Thuốc nhuận tràng là một thuật ngữ trong y khoa dùng để chỉ các chất có khả năng làm tăng hoạt động bài tiết phân, kích thích nhu động ruột co bóp để nhanh chóng đẩy phân ra ngoài, tránh tình trạng táo bón.
Như vậy , các loại thuốc nhuận tràng được xem là cứu cánh cho những bệnh nhân bị táo bón nói chung và những người mắc chứng táo bón do bệnh đại tràng nói riêng. Loại thuốc này được chỉ định chủ yếu cho các trường hợp bị táo bón nhẹ và dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
6 loại thuốc nhuận tràng tốt nhất cho người bệnh đại tràng
Hiện nay, thuốc nhuận tràng được chia làm 6 nhóm chính. Với mỗi loại thuốc thì sẽ có những cách sử dụng và liều lượng khác nhau. Khi điều trị táo bón bằng thuốc nhuận tràng thì thứ tự ưu tiên giữa các nhóm thuốc như sau:
2. Nhóm thuốc tạo khối phân
Thuốc có thể chứa các hoạt chất được chiết xuất từ thiên nhiên hoặc là thuốc tổng hợp. Khi vào cơ thể, thuốc sẽ hút nước và tạo thành một khối gel có tác dụng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột. Các loại thuốc nhuận tràng thuộc nhóm này thường được ưu tiên chỉ định đầu tiên bởi chúng hoàn toàn không gây tác dụng phụ cho cơ thể do không được đường ruột hấp thu và cũng không làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng tại ruột.
Bệnh nhân thường được chỉ định một số loại thuốc trong nhóm tạo khối phân như: Methylcellulose, Aspaghula husk, Polycarbophil, Psyllium…
2. Nhóm thuốc nhuận tràng làm mềm phân
Đây là các thuốc nhuận tràng sẽ được xem xét chỉ định tiếp theo sau các loại thuốc nhuận tràng tạo khối. Các thuốc nằm trong nhóm này thường được điều chế dưới dạng muối docusat. Chúng có tác dụng làm mềm phân do làm tăng khả năng hút nước và dầu của bề mặt khối phân. Bên cạnh đó loại thuốc này còn kích thích làm tăng tiết chất nhày ở niêm mạc ruột và kích thích hoạt động của nhu động ruột.
Đối với những bệnh nhân mới bị táo bón vài ngày thì sử dụng loại thuốc này sẽ đem lại hiệu quả cao. Một số loại thuốc làm mềm phân thường có trong đơn thuốc của người bị bệnh đại tràng là Docusat ka, Docusat natri, Docusat canxi…
3. Nhóm thuốc bôi trơn khối phân
Nhóm thuốc này thường được dùng theo đường uống hoặc được điều chế thành viên đạn đặt hậu môn trực tràng với thành phần chính là dầu khoáng. Trong đó các loại thuốc nhuận tràng nhóm bôi nhờn khối phân thường được chỉ định như Parafin hay Glycerin…Chúng hoạt động như một chất làm trơn bề mặt khối phân, giúp làm mềm phân nhờ tác dụng ngăn chặn sự tái hấp thu nước của ruột già.
Thuốc nhuận tràng Glycerin
Các loại thuốc nhuận tràng thuộc nhóm này thường không được chỉ định trong dài hạn và chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do dầu khoáng có thể hòa tan một số loại vitamin như vitamin A, D, E, K gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các dưỡng chất này của cơ thể.
4. Nhóm thuốc muối làm tăng nhu động ruột
Đó có thể là muối Natri, Kali hay Magie. Thuốc nhuận tràng dạng muối có tác dụng kéo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng hoạt động co bóp của nhu động ruột. Việc sử dụng loại thuốc này không đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị mất nước, vì vậy trong quá trình dùng thuốc bệnh nhân cần uống thật nhiều nước mỗi ngày ( ít nhất là từ 2,5 lít nước trở lên).
5. Nhóm thuốc thẩm thấu
Các loại thuốc nhuận tràng thuộc nhóm này cũng chứa các hoạt chất làm tăng khả năng hút nước vào lòng ruột, bên cạnh đó còn giúp bôi trơn và làm mềm phân. Khi dùng thuốc người bệnh cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, thường gặp nhất ở bệnh nhân đang bị hội chứng ruột kích thích hoặc có biểu hiện chướng bụng. Vì vậy bệnh nhân chỉ được dùng thuốc trong một vài ngày khi có chỉ định của bác sĩ.
Lactulose, Sorbito, Macrogol 4000…là những loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường được chỉ định.
6. Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích
Đây là nhóm thuốc bác sĩ nghĩ đến cuối cùng và thường ít được chỉ định. Cơ chế hoạt động của thuốc là kích thích các đầu mút thần kinh nằm trong niêm mạc kết tràng, tăng khả năng tích lũy nước của ruột già, đồng thời kích thích tăng nhu động ruột. Khi dùng các loại thuốc nhuận tràng thuộc nhóm kích thích, bệnh nhân có thể gặp một số phản ứng không mong đợi như mất nước, tiêu chảy, đau bụng, dây thần kinh ở ruột bị tổn thương . Uống lâu dài sẽ lệ thuộc vào thuốc và mất dần chức năng hoạt động của đường ruột. Các thuốc này thường được dùng cho bệnh nhân trước khi nội soi đại tràng, chụp X-quang hoặc bệnh nhân bị táo bón nhưng không được dùng kéo dài quá 1 tuần.
Như vậy có thể thấy ngoại trừ các loại thuốc nhuận tràng nằm trong nhóm thuốc tạo khối phân thì các nhóm thuốc còn lại đều ít nhiều gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy bệnh nhân không nên lạm dụng các loại thuốc này, tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
BẠN NÊN TÌM HIỂU THÊM
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!