Mắc bệnh viêm loét đại tràng nên ăn gì, kiêng gì?
Bệnh viêm loét đại tràng thường gây ra những triệu chứng khó chịu ở vùng bụng, tiêu chảy hoặc khiến người bệnh mất cảm giác ngon miệng. Bên cạnh việc dùng thuốc thì một số điều chỉnh nhất định trong chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh và đẩy lùi các biểu hiện nêu trên. Chính vì vậy việc tìm hiểu bệnh viêm loét đại tràng nên ăn gì, kiêng gì để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp là điều bất kì bệnh nhân nào cũng nên làm và tuân thủ ngay từ khi mới mắc bệnh.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bệnh nhân khám phá ra những thực phẩm nào có thể kích ứng đường ruột và gây viêm loét đại tràng. Đồng thời giúp người bệnh nhận biết được những thực phẩm có lợi nên được ưu tiên trong các bữa ăn.
1. Bị viêm loét đại tràng nên ăn gì?
Việc thường xuyên ăn uống những thực phẩm có lợi không chỉ giúp ngăn ngừa thiếu hụt chất dinh dưỡng mà còn giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu do căn bệnh này mang lại. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn những thực phẩm sau:
- Các loại cá:
Các loại cá, đặc biệt là cá hồi rất giàu đạm và axit béo omega-3. Đây là những dưỡng chất rất có lợi trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể và nâng cao sức khỏe đường tiêu hóa
- Các thực phẩm giàu probiotic:
Một số loại thực phẩm lên men, trong đó có sữa chua chứa nhiều probiotic là những loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng các thực phẩm chứa probiotic thường xuyên có thể giúp làm giảm bùng phát và triệu chứng.
- Thực phẩm chứa nhiều chất đạm:
Việc bổ sung chất đạm là rất cần thiết đối với người bệnh viêm đại tràng. Mỗi ngày cơ thể cần được bổ sung lượng chất này là 1g/kg/ngày. Nên ưu tiên lựa chọn nguồn cung cấp chất đạm từ sữa đậu nành, sữa không chứa lacctose hay các loại cá để cơ thể dễ tiêu hóa.
- Nước:
Mất nước là hậu quả khó tránh khỏi nếu viêm loét đại tràng gây tiêu chảy quá nhiều lần trong ngày. Do vậy để đảm bảo cơ thể luôn có đủ nước để hoạt động người bệnh nên uống nhiều nước mỗi ngày, ít nhất là 2,5 lít/ ngày.
2. Bị viêm loét đại tràng không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm nhất định có thể kích thích phản ứng viêm tăng mạnh và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Việc loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn có thể giúp làm giảm tần suất tái phát bệnh cũng như hỗ trợ điều trị bệnh từ bên trong. Dưới đây là những thực phẩm và đồ ăn thức uống không có lợi, người bị viêm loét đại tràng nên hạn chế hoặc loại bỏ hẳn chúng ra khỏi thực đơn:
- Đồ uống chứa chất kích thích:
Rượu, cà phê, trà hay nước ca cao…là những loại thức uống có tính kích thích làm tăng nhu động ruột. Chúng khiến cho các cơ co thắt trong ruột hoạt động mạnh làm thức ăn di chuyển nhanh hơn, từ đó khiến cho chứng tiêu chảy của bệnh thêm trầm trọng.
- Các sản phẩm từ sữa:
Nên tránh uống sữa tươi, sữa công thức hay các sản phẩm từ sữa như phomat, váng sữa, phomai…bởi khi bị viêm đại tràng, đường ruột thường không có khả năng dung nạp lactose nên sẽ gây đi ngoài nhiều lần trong ngày. Thêm vào đó đây đều là những loại đồ ăn có tính sinh khí, nó dễ gây chướng hơi đầy bụng khiến người bệnh khó chịu. Do vậy ngoại trừ sữa chua ra thì cần thận trọng khi dùng những sản phẩm trên mặc dù bình thường chúng rất tốt cho sức khỏe.
- Các loại đậu:
Đậu xanh, đậu đen hay đậu Hà Lan…là những loại hạt chứa rất nhiều chất xơ và nó có thể tăng vận chuyển ruột, gây chướng bụng, sinh khí. Chính vì vậy không nên dùng các thực phẩm này nếu đang bị tiêu chảy.
- Các loại trái cây khô và quả mọng:
Đây cũng là những thực phẩm có nhiều chất xơ và chứa nhiều đường có thể làm tăng nặng các triệu chứng của viêm loét đại tràng.
- Thịt mỡ:
Thịt mỡ hay các loại đồ béo khác khó có thể được đường ruột tiêu hóa và phân giải hết khi đang bị bệnh, và điều này có thể làm các biểu hiện của viêm loét đại tràng thêm tồi tệ.
- Rau sống:
Rau sống vừa chứa nhiều chất xơ lại có nguy cơ bị nhiễm khuẩn khá cao nên không thích hợp sử dụng nếu đang bị viêm loét đại tràng. Chúng có thể gây nhiễm khuẩn nặng hơn hoặc đem đến nhiều biểu hiện khó chịu như chướng bụng, đầy hơi, chuột rút cơ bụng. Tốt nhất dù có đang trong đợt bùng phát của bệnh hay không cũng nên thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi.
- Đường, bánh kẹo và đồ ngọt:
Những loại đồ ăn chứa nhiều đường này có thể hút nước vào ruột nhiều hơn và gây tiêu chảy.
- Các món ăn chứa nhiều gia vị:
Nước sốt, đồ nướng …thường chứa nhiều gia vị, đặc biệt là tiêu, ớt có thể gây kích thích đường ruột dẫn đến tiêu chảy. Chúng cũng có thể làm tăng phản ứng viêm làm tổn thương ở niêm mạc đại tràng lâu lành.
- Thực phẩm chứa Gluten:
Gluten được tìm thấy nhiều trong lúa mì, lúa mạch đen và một số yến mạch. Nếu bạn nhạy cảm với chất này thì không nên ăn những thực phẩm trên vì nó có thể thúc đẩy khiến bệnh bùng phát nặng hơn.
Cùng với việc tìm hiểu và áp dụng các kiến thức liên quan đến vấn đề mắc bệnh viêm loét đại tràng nên ăn gì, kiêng gì thì bạn cũng nên siêng năng luyện tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tránh stress và điều trị các bệnh lý gây viêm loét đại tràng nếu có. Việc ăn uống kiêng khem là điều cần thiết khi mắc bệnh, tuy nhiên cũng không phải vì vậy mà bạn không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Khi đi khám, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ cũng như các chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này để được hướng dẫn cách lên thực đơn hoàn chỉnh, cân đối.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!